Chuyển tới nội dung
5 kỹ năng mềm thiết yếu để trở thành Kiểm toán viên Độc lập chuyên nghiệp

5 kỹ năng mềm thiết yếu để trở thành Kiểm toán viên Độc lập chuyên nghiệp

26/03/2020

Nghề Kiểm toán viên Độc lập là một nghề có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều thú vị và các cơ hội nghề nghiệp rộng mở ra toàn cầu. Không chỉ cần học tốt các kiến thức về nghề, sinh viên mới ra trường còn cần trau dồi thêm những kỹ năng mềm thiết yếu để dễ dàng thành công hơn trong sự nghiệp kiểm toán, kế toán. Viện đào tạo TopTrain xin giới thiệu tới các bạn 5 kỹ năng mềm thiết yếu của người Kiểm toán viên Độc lập: 

      1. Kỹ năng phân tích logic sắc bén: 

Một trong những kỹ năng mà người Kiểm toán viên không thể thiếu đó là khả năng tư duy logic và phân tích sắc bén. Không chỉ nghề kế toán, kiểm toán, mà bất kỳ nghề nào cũng cần có kỹ năng này. Tuy nhiên, trong nghề kiểm toán thì kỹ năng này được sử dụng thường xuyên hơn và áp dụng ngay lập tức cho công việc của bạn từ những ngày đầu.

Ví dụ như sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, sử dụng biện pháp phân tích, kiểm toán viên có thể giải thích được toàn bộ các biến động của số liệu báo cáo tài chính, cũng như ảnh hưởng của các bút toán điều chỉnh đến báo cáo tài chính của khách hàng. Thậm chí, từ danh sách các bút toán điều chỉnh, kiểm toán viên có thể nhìn ra “mong muốn” bóp méo số liệu của khách hàng để điều chỉnh và lường trước những động thái đó.

      2. Khả năng tính toán nhanh nhậy: 

Bạn đừng vội lầm tưởng rằng cứ giỏi toán là sẽ “auto phù hợp” với nghề kế toán, kiểm toán. Nếu bạn có kỹ năng tính toán cơ bản giỏi, đã là một thuận lợi trong nghề này, nhưng thực ra nghề kế toán, kiểm toán cần sự phân tích nhanh nhạy và nhìn ra mối liên hệ giữa các con số.

Ví dụ như việc chỉ liếc nhìn vào tổng tài sản của hai năm, bạn cần có suy nghĩ ngay về sự tăng/giảm bất thường của con số này, và suy luận cùng với thông tin từ các nguồn khác, để hiểu rằng sự tăng/giảm ấy có thể lý giải được hay không. Một cách khác, kỹ năng này có thể còn được gọi là nhạy cảm với các con số (arithmetical reasoning skills).

     3. Kỹ năng trình bày, giao tiếp: 

Khi đi thực tập tại các công ty kiểm toán hàng dầu, chắc hẳn bạn đã gặp nhiều anh chị kiểm toán viên lâu năm trong nghề, và thấy họ nói năng rất lưu loát, thậm chí nói trước đông người mà không hề run chút nào. Điều này không phải tự nhiên có được, mà một phần là do chính các anh chị đã chú ý rèn luyện để có kỹ năng này.  Để có thể trở thành một kiểm toán viên thực thụ, ngoài việc bạn giỏi về chuyên môn, còn phải biết cách thuyết phục khách hàng của mình đối với các phát hiện kiểm toán trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.

Ngoài ra, đôi khi họ còn cần phải trình bày những vấn đề rất chuyên sâu bằng một cách diễn đạt đơn giản để những người không có chuyên môn sâu về kế toán, kiểm toán cũng có thể hiểu được. Điều đó giúp cho những người như Ban Giám đốc của khách hàng sẽ hiểu được những vấn đề cần trao đổi và cùng giải quyết với kiểm toán viên.

      4. Kỹ năng quản lý thời gian & lên kế hoạch: 

Kế toán, kiểm toán là công việc có áp lực cao và đòi hỏi thời hạn chuẩn xác, thường là với thời gian làm việc rất ngắn cho mỗi dự án. Vì thế, người làm việc kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp cần biết quản trị thời gian của mình một cách chặt chẽ và sử dụng thời gian để có được hiệu suất làm việc cao nhất.

Là một kiểm toán viên, bạn sẽ phải quản lý những ưu tiên khác nhau – đôi khi là tranh chấp – và thực hiện vô số các đầu việc khác, trong khi cần hoàn thành mọi thứ đúng hạn. Một hệ thống quản trị khối lượng công việc – các job bạn đang phụ trách, các giao dịch bạn đang theo dõi, và bất kỳ thời hạn hay lịch làm việc quan trọng nào bạn cần đáp ứng – chỉ phát huy hiệu quả khi bạn biết phân chia thời gian của mình phù hợp. Khả năng đảm bảo hoàn thành công việc đúng hạn và liên tục tái thiết lập các ưu tiên trong danh sách việc phải làm của bạn sẽ giúp ích bạn rất nhiều. Một khi bạn đã có một phương pháp tốt, có rất nhiều công cụ để bạn lựa chọn và sử dụng như lịch, các ứng dụng trên smartphone ngày nay và các phần mềm trên máy tính sẽ luôn giúp bạn sắp xếp và tổ chức công việc.

Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian tốt sẽ cho mọi người thấy bạn đáng tin cậy, có khả năng hoàn thành công việc đúng hạn, và hơn nữa, nó còn giúp bạn duy trì một trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống và sử dụng mỗi ngày của mình một cách hiệu quả.

      5. Kỹ năng sử dụng máy tính: 

Hầu hết ở các công ty kiểm toán, nhân viên đều được công ty giao cho một chiếc máy tính xách tay. Đó là vật bất ly thân của các kiểm toán viên, vì thời gian làm việc với nó nhiều hơn bao giờ hết. Với thời lượng lớn như vậy (vào mùa bận có thể lên tới 18-20h một ngày), nếu kỹ năng sử dụng máy tính của bạn không tốt, thì công việc của bạn sẽ còn mất nhiều thời gian hơn và bạn sẽ bị áp lực lớn hơn nữa.

Đừng hiểu lầm kỹ năng sử dụng máy tính đối với kiểm toán viên chỉ đơn giản là Excel, mà còn là sử dụng Word, trình bày văn bản, để format báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, là Power Point để trình bày trong các cuộc họp với khách hàng, là vẽ lưu đồ trên Visio… và thậm chí đôi khi bạn sẽ phải tự sửa một số bệnh thường gặp trong hệ điều hành Windows nữa đấy!  

Hãy bắt đầu lên kế hoạch trang bị cho mình những kỹ năng này ngay từ khi bạn còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, và rèn luyện nó liên tục ngay cả khi bạn đang làm việc hoặc đang tìm kiếm những cơ hội tiếp theo. Ngoài ra, tham gia một khóa học thực hành kiểm toán là một điều rất cần thiết để khi ra trường bạn có thể bắt tay ngay vào công việc thực tế của một kiểm toán viên./. 

Chúc các bạn thành công ! 


Bài viết khác
Lịch khai giảng