Chuyển tới nội dung
Thế nào là Chuyển giá? Làm rõ các giao dịch liên kết của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia trong công tác quản lý kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam

Thế nào là Chuyển giá? Làm rõ các giao dịch liên kết của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia trong công tác quản lý kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam

02/08/2021

Thế nào là Chuyển giá? Làm rõ các giao dịch liên kết của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia trong công tác quản lý kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam

 

Trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của các tập đoàn đa quốc gia là điều tất yếu. Với các tập đoàn xuyên quốc gia, giao dịch liên kết là việc hết sức bình thường. Vì vậy minh bạch hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định hồ sơ chuyển giá đầy đủ bao gồm những gì, thế nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế. Vậy chuyển giá là gì? Các hình thức chuyển giá ra sao? Tất cả sẽ được Viện Đào tạo Toptrain giải đáp ở bài viết dưới đây.

Chuyển giá là gì?

Khái niệm chuyển giá

Chuyển giá (transfer pricing) là việc các chủ thể kinh doanh (chủ yếu là các công ty đa quốc gia - MNCs) thực hiện chính sách giá nhằm thay đổi giá trị trao đổi của hàng hóa, dịch vụ và tài sản trong quan hệ với các bên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không tuân theo giá cả thị trường với mục đích tối thiểu hóa số tiền thuế phải nộp của toàn tập đoàn. Ngoài ra còn một số mục đích khác như: chiếm lĩnh thị trường, nhanh chóng thu hồi vốn tại các quốc gia tiếp nhận đầu tư…

Ví dụ về chuyển giá

Công ty sản xuất giầy Wangxiao có trụ sở tại Đức và thành lập công ty con ở Việt Nam. Tuy công ty con đăng ký hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong vai trò là nhà phân phối bán buôn nhưng thực tế lại phát sinh chi phí của nhà bán lẻ, và đặt nghi vấn đây chính là cách mà Wangxiao dùng để chuyển giá theo phương thức liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con thuộc tập đoàn Wangxiao nhằm né thuế thu nhập tại Việt Nam.

Cụ thể, Wangxiao Việt Nam hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là quyền phân phối bán buôn, nhưng danh mục chi phí của doanh nghiệp này lại xuất hiện nhiều chi phí của một doanh nghiệp bán lẻ, như chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ, tiền tiếp thị quốc tế, phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng và đặc biệt, Wangxiao Việt Nam không phải là nhà sản xuất, nhưng phát sinh khoản tiền bản quyền.

Chính ví phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào đã khiến cho giá thành nhập khẩu các sản phẩm Wangxiao tại thị trường Việt Nam bị đội lên một cách vô lý, làm cho Wangxiao Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thua lỗ và không phải nộp thuế thu nhập.

Các nguyên nhân của chuyển giá:

Hoạt động chuyển giá xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản: Nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan:

Nguyên nhân khách quan

  • Thứ nhất, hoạt động chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt (quyền mua, quyền bán sản phẩm, dịch vụ với giá mong muốn) của các chủ thể kinh tế trong kinh doanh ngành nghề, mặt hàng mà luật pháp cho phép. 
  • Bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ buộc chính phủ các quốc gia phải mở cửa nền kinh tế. Chính điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho các MNCs mở rộng hoạt động kinh doanh bằng hình thức thành lập công ty con, chi nhánh ở nước ngoài… tạo thành “mắt xích” cho việc chuyển giá.
  • Các nguyên nhân khách quan đến từ sự khác biệt về chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán, chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc… tạo điều kiện thuận lợi cho MNCs xây dựng chiến lược chuyển giá.
  • Việc kiểm soát các công ty đa quốc gia vượt ra ngoài sự kiểm soát của một quốc gia.

Nguyên nhân chủ quan

  • Khung pháp lý cũng như các cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề kiểm soát hoạt động chuyển giá của nhiều quốc gia (đặc biệt là ở các quốc gia đang và chậm phát triển) còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hoàn thiện. 
  • Các doanh nghiệp MNCs có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính rất cao. Trong khi đó, các quốc gia tiếp nhận đầu tư trình độ của các cán bộ quản lý thuế, tài chính, hải quan… còn tồn tại nhiều hạn chế. Chính bởi sự chênh lệch này, các doanh nghiệp MNCs sẽ dễ dàng trong việc “che đậy” hoạt động chuyển giá của mình.
  • Với tiềm lực tài chính “dư dả” của mình, các doanh nghiệp MNCs sẵn sàng thực hiện “vận động hành lang” đối với các nhà lập pháp, giới chức ở các quốc gia phát triển.
  • Đằng sau hoạt động chuyển giá của các công ty đa quốc gia còn có sự hỗ trợ của các công ty kiểm toán hàng đầu. Các công ty kiểm toán này cung cấp các dịch vụ như: dịch vụ hỗ trợ chuyển giá, dịch vụ tư vấn chuyển giá… sẽ giúp MNCs thực hiện chuyển giá trên nguyên tắc vững chắc và có thể bảo vệ được.

Các dấu hiệu của chuyển giá:

Các dấu hiệu nhận biết chuyển giá bao gồm:

  • Các doanh nghiệp báo lỗ liên tiếp 2 năm trở lên kể từ khi thành lập
  • Các doanh nghiệp có tình hình lãi lỗ luân phiên hoặc tình hình lãi lỗ phát sinh không bình thường
  • Doanh nghiệp có các nghiệp vụ chuyển giao với các doanh nghiệp ở những quốc gia có thuế suất thấp
  • Doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành hoặc các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn
  • Các doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp hơn hoặc cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường

Những hình thức chuyển giá của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các công ty thường chuyển giá thông qua các hình thức sau:

Chuyển giá thông qua việc mua bán nguyên vật liệu sản xuất, bán thành phẩm hoặc thành phẩm từ nước ngoài

Hình thức chuyển giá này được thực hiện thông qua việc các công ty trong tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại quốc gia có thuế suất cao sẽ mua các nguyên vật liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm với giá cao sau đó bán lại cho các công ty thành viên khác với giá thấp nhằm giảm thiểu tối đa lợi nhuận thu về, từ đó tối thiểu hóa số thuế phải nộp.

Chuyển giá thông qua việc mua tài sản cố định hữu hình với giá cao

Theo đó, các công ty trong tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại các quốc gia có thuế suất cao sẽ mua các tài sản cố định hữu hình của các công ty có trụ sở ở quốc gia có thuế suất thấp với giá rất cao so với giá trị thật của tài sản đó. Thông qua việc mua bán tài sản cố định này, một phần thu nhập của công ty đã được chuyển ra nước ngoài cho công ty khác trong cùng tập đoàn. Cũng vì vậy mà lợi nhuận công ty giảm từ đó làm giảm số thuế phải nộp.

Mặt khác, việc chuyển giao, mua bán tài sản cố định này cũng giúp các công ty đa quốc gia tiết kiệm được chi phí thanh lý tài sản cố định đã lỗi thời.

Chuyển giá thông qua việc mua bán tài sản cố định vô hình với giá cao

Tương tự như mua bán tài sản cố định hữu hình, các công ty sẽ định giá tài sản cố định vô hình thật cao hoặc chi trả cho các chi phí để xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm, quảng cáo, marketing... tại các công ty thành viên có trụ sở tại quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao. Với hình thức này, chi phí phát sinh sẽ do các công ty có thuế suất cao gánh chịu những lợi ích thì tất cả các công ty thành viên đều được hưởng lợi như nhau. Cũng chính vì vậy làm giảm tối đa số thuế phải nộp.

Ngoài ra, còn một số hình thức chuyển giá được các công ty đa quốc gia ở Việt Nam áp dụng như: công ty thuê dịch vụ tài chính, tư vấn pháp lý cao hơn rất nhiều so với giá thị trường; vay tín dụng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với lãi suất cao; thuê chuyên gia nước ngoài với các chi phí phát sinh cao hơn bình thường.... Tất cả những hình thức đó đều có chung mục đích là làm tối đa hóa lợi nhuận thu được của toàn tập đoàn thông qua việc tối thiểu hóa số thuế phải nộp

Thực trạng chuyển giá tại các công ty đa quốc gia ở Việt Nam

Tại Việt Nam, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Thực tế, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các công ty có vốn đầu tư nước ngoại lại chưa thực hiện đúng những nghĩa vụ về thuế do nhà nước đặt ra.

Cụ thể, theo VCCI, hàng năm có khoảng 40 – 50 % các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ trong nhiều năm, lỗ lũy kế nhưng vẫn hoạt động bình thường, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2017, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam là 35,88 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng trong năm 2017 có đến 37,9% doanh nghiệp báo lỗ.

Năm 2018, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam là 35,46 tỷ USD và năm 2019 là 38 tỷ USD. Và trong 2 năm này, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ cũng chiếm tỷ lệ cao là 47 % và 50 %.

Tác động của chuyển giá đến nền kinh tế

Khi xảy ra hành vi chuyển giá mà không có quy định pháp luật để xử lý hoặc không được xử lý theo quy định của pháp luật thì sẽ có hai tác động cơ bản sau:

  • Thứ nhất, làm thất thu ngân sách nhà nước. Đây có thể coi là tác động hiển nhiên đầu tiên vì với việc doanh nghiệp được lợi về thuế thì phần thuế lẽ ra có thể thu được theo Luật đã không được nộp vào ngân sách nhà nước, và thực tế ở Việt Nam thì số thất thu này không nhỏ.
  • Thứ hai, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Mặc nhiên, khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá.

Một môi trường cạnh tranh lành mạnh phải tạo ra khả năng hưởng lợi chính đáng từ hoạt động kinh doanh chính đáng. Ngoài ra, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các doanh nghiệp khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản.

Những pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá ở Việt Nam

Để ngăn chặn tình trạng chuyển giá đang diễn ra ngày càng nhiều ở các công ty đa quốc gia, Việt Nam nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá một cách rõ ràng và minh bạch
  • Xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với các hành vi chuyển giá
  • Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng phương pháp APA (cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá) thay vì việc để các doanh tự nguyện đăng ký
  • Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đầu tư để các địa phương nắm bắt và giám sát hoạt động đầu tư kịp thời, đúng đắn
  • Tăng cường giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty FDI để sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi chuyển giá
  • Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động kiểm tra, giám sát hành vi chuyển giá


Trên đây là bài viết tham khảo cung cấp kiến thức đầy đủ để bạn đọc hiểu biết cơ bản được chuyển giá là gì và tình trạng chuyển giá ở Việt Nam. Thông tin thêm về chuyển giá và các giao dịch liên kết của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia các bạn có thể tham dự khoá học:Thuế Nhà thầu, Chuyển giá & Hiệp định tránh đánh thuế 2 lầncủa Viện Đào tạo Toptrain.


Bài viết khác
Lịch khai giảng