Chuyển tới nội dung
Q&A: Hội thảo "Chuẩn bị hiệu quả cho Quyết toán Thuế 2020 - Hỏi Đáp cùng chuyên gia"

Q&A: Hội thảo "Chuẩn bị hiệu quả cho Quyết toán Thuế 2020 - Hỏi Đáp cùng chuyên gia"

23/02/2021

CHỦ ĐỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Câu 1: Cách xác định giao dịch liên kết

Tham khảo quy định điều 5, Nghị định 132/2020/NĐ-CP về 11 trường hợp cụ thể được xem là giao dịch liên kết.

Có thể tóm tắt thành các nhóm lớn như sau:

  • Giữa 2 doanh nghiệp mà một bên có quyền điều hành, kiểm soát bên kia thông qua đầu tư, góp vốn, chỉ định nhân sự điều hành (mức quy định cụ thể được quy định trong Nghị định)
  • Các doanh nghiệp được góp vốn, kiểm soát, điều hành bởi các cá nhân có quan hệ gia đình
  • Điểm mới của Nghị định 132: Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.

Câu 2: Cá nhân góp vốn vào Công ty, đồng thời điều hành

Tham khảo quy định khoản 2, điều 5, Nghị định 132/2020/NĐ-CP

l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.

Nếu cá nhân thuộc trường hợp trên thì cá nhân là bên liên kết của Công ty, Công ty có trách nhiệm kê khai thông tin bên liên kết theo quy định.

Trường hơp nhiều Công ty chịu sự điều hành của 1 cá nhân hoặc các cá nhân có quan hệ gia đình thì từng Công ty thực hiện kê khai thông tin các bên liên kết theo quy định.

Căn cứ hướng dẫn trên, chi phí lãi vay cá nhân vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2020 và khống chế 30% EBITDA khi xem xét chi phí được trừ.

Doanh nghiệp vừa đi vay ngân hàng và vừa dùng tiền để gửi ngân hàng vậy lãi tiền gửi doanh nghiệp nhận được có bị trừ khi quyết toán thuế TNDN, lưu ý nếu doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì cần xác định chi phí lãi vay thuần được trừ không quá 30% EBITDA.

Câu 3: Chi phí thuê tài sản của Giám đốc

Trường hợp Giám đốc công ty cho công ty thuê xe để phục vụ hoạt động kinh doanh, trước tiên cần xem xét Giám đốc có quan hệ với doanh nghiệp theo các trường hợp nêu trên hay không. Khi giám đốc là bên liên kết khi doanh nghiệp kê khai thông tin bên liên kết và các giao dịch phat sinh trong kì.

Lưu ý rằng về thuế TNDN, chi phí đối với hoạt động thuê tài sản cần kèm theo hợp đồng thuê tài sản, chứng từ thanh toán, khấu trừ thuế TNCN.

Câu 4: Điều kiện giảm 30% thuế TNDN cho kì tính thuế 2020

Tham khảo quy định điều 2, Nghị định 114/2020/NĐ-CP

1. Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 nhân (x) với 12 tháng à (doanh nghiệp tính tròn tháng)

Về chuẩn bị hồ sơ, bên cạnh hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2020 như các năm trước, doanh nghiệp cần hoàn thành Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 114/2020

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Kì tính thuế 1/4/2020 – 31/3/2021 được xem là kì tính thuế năm 2020, doanh nghiệp cần xem xét mức doanh thu phát sinh để áp dụng giảm thuế TNDN phù hợp quy định.

Hiện tại, Công ty chưa có doanh thu bán hàng, năm 2020 có phát sinh doanh thu tài chính từ tiền gởi ngân hàng 30 tỷ, thì vẫn đủ điều kiện giảm thuế 30% thuế TNDN.

Câu 5: Các khoản chênh lệch tạm thời khi quyết toán thuế TNDN

Các trường hợp thường gặp bao gồm: khấu hao tài sản cố định, chi phí trả trước, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại của nhóm tài khoản tiền, phải thu. Nguyên nhân phát sinh là do sự khác biệt về thời điểm ghi nhận giữa kế toán và thuế.

Câu 6: Chi phí trả tiền phép năm cho người lao động

Người sử dụng lao động vẫn được tính vào chi phí được trừ về thuế TNDN nếu tiền lương phép được xác định theo hướng dẫn của Luật lao động. Phần chi phí tính vượt so với quy định thì không được tính vào chi phí được trừ.

Câu 7: Chi phí tổ chức 20.11 trong Công ty giáo dục

Đây được xem là khoản chi phúc lợi của Công ty, bên cạnh tính thực tế phát sinh và chứng từ hồ sơ kèm theo. Vào cuối năm Công ty cần tính toán lại chi phí phúc lợi để đảm bảo rằng tổng phát sinh không vượt quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm quyết toán, phần chi phí vượt so với định mức sẽ không được tính trừ về thuế TNDN.

Câu 8: Thuế TNDN và thuế TNCN đối với khoản chi phúc lợi

Về thuế TNDN, xác định định mức 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện so với tổng chi phí phúc lợi phát sinh. Các khoản chi phí phúc lợi được quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC

„- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

(*) Phần tô xanh giới hạn 3 triệu đồng / người / tháng từ 1/2/2018 khi tính chi phí được trừ về thuế TNDN.

Về thuế TNCN, tham khảo quy định tại khoản 2, điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC và điều 11, Thông tư 92/2015 để xác định thu nhập chịu thuế và miễn thuế.

Câu 9: Chi phí quà tặng khách hàng, chi phí không hoá đơn, chứng từ

Các chi phí mua vào với mục đích tặng quà khách hàng nhưng không xuất hoá đơn đầu ra khi tặng quà. Về thuế GTGT do không xuất hoá đơn đầu ra nên rủi ro bị xử phạt VPHC về hoá đơn và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Về thuế TNDN do không chứng minh tính thực tế phát sinh của chi phí (do không chứng minh khách hàng nhận hàng kèm hoá đơn đầu ra) nên rủi ro chi phí không được trừ.

Các chi phí không có hoá đơn, chứng từ dù không được trừ cho mục đích thuế TNDN, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải ghi nhận đầy đủ vào sổ sách kế toán theo quy định của Luật kế toán để tránh rủi ro xử phạt hành chính.

Câu 10: Chi phí mua đất của Công ty xây dựng

Doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ chứng từ chứng minh quyền sử dụng đất của doanh nghiệp: hợp đồng chuyển nhượng, chứng từ thanh toán lệ phí trước bạ, các chi phí có liên quan, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên doanh nghiệp.

Kê khai khấu trừ thuế TNCN cho phần thu nhập từ chuyển nhượng tài sản của cá nhân (nếu hợp đồng quy định cụ thể trách nhiệm mỗi bên).

Câu 11: Chi phí trích trước tiền lương

Về chi phí tiền lương khi tính thuế TNDN, doanh nghiệp tham khảo, điểm 2.5, khoản 2, điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC (thông tư 96/2015 sửa đổi, bổ sung)

2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

c) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Căn cứ hướng dẫn trên thì doanh nghiệp được trích trước chi phí tiền lương tối đa 17% quỹ tiền lương thực hiện (đảm bảo doanh nghiệp không bị lỗ) và được tính trừ vào kì quyết toán năm hiện hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thực tế chi trả phần trích lập này trước ngày 30/6 của năm sau, phần chưa chi trả phải điều chỉnh giảm chi phí tiền lương của kì tính thuế năm sau.

NHÓM CÂU HỎI VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Câu 1: Xác định tình trạng cư trú của cá nhân

Tham khảo quy định tại khoản 1, điều 1, Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Đối với người Việt Nam có đăng ký thường trú / tạm trú tại Việt Nam thì được xác định là cá nhân cư trú tại Việt Nam, trừ trường hợp cá nhân chứng minh đủ điều kiện là cá nhân cư trú của 1 nước khác.

Đối với người nước ngoài, thì căn cứ vào thời gian cư trú / làm việc tại Việt Nam trong 1 năm dương lịch hoặc 12 tháng liên tục kể từ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì được xác định là cá nhân cư trú tại Việt Nam. Một số tài liệu cần xem xét: hộ chiếu, thời hạn hợp đồng lao động, thời hạn hợp đồng thuê nhà, lưu trú tại khách sạn.

Câu 2: Thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2020

  • Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập, thời hạn quyết toán thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 của năm tiếp theo kì quyết toán (bao gồm ngày nghỉ, ngày lễ). Trước đây là ngày 90 của năm tiếp theo.
  • Đối với cá nhân tự quyết toán, thời hạn quyết toán là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 của năm tiếp theo kì quyết toán (trước đây là ngày thứ 90 của năm tiếp theo).

Câu 3: Mối quan hệ giữa mức lương tham gia BHXH và tính thuế TNCN

Do sự khác biệt về quy định về thuế TNCN và hướng dẫn về BHXH nên mức lương (tiền lương và các khoản phụ cấp) tham gia BHXH và mức thu nhập (tiền lương, phụ cấp) thường không giống nhau. Về thuế TNCN, doanh nghiệp tham khảo quy định hiện hành tại Thông tư 11/2013 và TT92/2015. Về BHXH, doanh nghiệp tham khảo hướng dẫn tại Quyết định 595/BHXH.

Lưu ý rằng các khoản phụ cấp phải được thực tế chi trả cho người lao động và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (phù hợp với chức danh, đặc điểm công việc) để được tính trừ khi tính thuế TNDN.

Câu 4: Cá nhân cư trú tại Việt Nam trong năm có thu nhập tiền lương tiền công tại Việt Nam và Singapore thì thực hiện kê khai thuế TNCN hàng tháng / quý và quyết toán thuế như thế nào?

Tổ chức trả thu nhập tại Việt Nam thực hiện khấu trừ, kê khai, nộp thuế định kỳ theo tháng (theo quý) theo quy định được hướng dẫn tại Luật quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP trên phần thu nhập mà tổ chức thực tế chi trả cho cá nhân theo hợp đồng lao động (Mẫu 05). Việc quyết toán thuế TNCN hàng năm cũng xác định dựa vào phần thu nhập này, đồng thời tổ chức cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động để cá nhân tự thực hiện quyết toán.

Đối với phần thu nhập mà cá nhân nhận được từ Singapore, người lao động tự xác định, kê khai thuế TNCN theo tháng / quý (Mẫu 02) theo hướng dẫn bên dưới:

Theo điểm c, khoản 2, điều 8, Nghị định 126/2020 hiệu lực từ 5/12/2020 hướng dẫn như sau:

2. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo quý, bao gồm:

c) Thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.

Căn cứ hướng dẫn trên, cá nhân người nước ngoài được lựa chọn kê khai thuế TNCN theo quý đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và gửi kèm Văn bản thông báo cho Cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Hiện nay, Chính phủ và Bộ Tài chính chưa ban hành mẫu chính thức nên để thận trọng cá nhân thực hiện kê khai theo tháng thời điểm phát sinh thu nhập.

Về quyết toán thuế TNCN, cá nhân tự tổng hợp các nguồn thu nhập tại Việt Nam và từ Singapore (do cá nhân cư trú nên thu nhập chịu thuế TNCN được tính là thu nhập toàn cầu) để thực hiện quyết toán hàng năm, thời hạn nộp quyết toán là ngày cuối cùng của tháng tháng 4 năm tiếp theo năm quyết toán thuế.

CHỦ ĐỀ VỀ THUẾ GIÁ TRỊ GIÁ TĂNG, QUẢN LÝ THUẾ VÀ KẾ TOÁN

Câu 1: Những điểm mới của Nghị định 126/2020 (Bài viết tiếp theo)

Câu 2: Kê khai thuế GTGT đối với tiền thuê nhà cho chuyên gia người nước ngoài, hoá đơn GTGT đầu vào bằng 0

  • Đối với chi phí thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài, trường hợp thuế GTGT đầu vào tương ứng không được khấu trừ, doanh nghiệp phản ánh giá mua bao gồm thuế GTGT vào chỉ tiêu HHDV mua vào (chỉ tiêu 23), thuế GTGT đầu vào bằng 0 (chỉ tiêu 24,25).
  • Đối với chi phí đào tạo tiếng Nhật, thuế GTGT đầu vào bằng 0, doanh nghiệp phản ánh giá mua chưa thuế vào chỉ tiêu Giá trị HHDV mua vào (chỉ tiêu 23), chỉ tiêu thuế GTGT đầu vào khấu trừ bằng 0 (chỉ tiêu 24, 25).

Câu 3: Công ty có giới thiệu bán hàng của doanh nghiệp trong nước bán trực tiếp cho doanh nghiệp tại nước ngoài và được bên mua trả phí hoa hồng môi giới, vậy xin hỏi khoản doanh thu này được ghi nhận là doanh thu với thuế suất 0% hay doanh thu với thuế suất 10%?

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng (Hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014).

+ Tại Khoản 1 Điều 9 quy định về thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:

“7. Thuế suất 0%: áp dụng đỗi với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, ỉắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phỉ thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hỏa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khỉ xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tạỉ khoản 3 Điều này.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ỉà hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phỉ thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp Doanh nghiệp ký họp đồng môi giới thương mại với một Công ty sản xuất để xuất khẩu thi khi dịch vụ hoàn thành, Công ty sản xuất  sẽ xuất hóa đơn GTGT 10% cho dịch vụ môi giới thương mại của doanh nghiệp.

Câu 4: Các trường hợp đánh giá lại TSCĐ

Doanh nghiệp tiến hành góp vốn vào đơn vị khác bằng tài sản hoặc áp dụng mô hình Giá trị hợp lý khi kế toán tài sản cố định (áp dụng IFRS).

Câu 5: Vi phạm về thuế xảy ra khi luật cũ có hiệu lực. Khi phát hiện vi phạm vào thời điểm hiệu lực của luật mới đang vận hành. Vậy quy định về xử phạt vấn đề trên (xảy ra tại thời điểm luật cũ và phát hiện tại thời điểm luật mới) áp dụng xử phạt theo luật cũ phải không ạ? Và nếu tại thời điểm phát hiện ra sai phạm mà luật mới có lợi cho người nộp thuế hơn thì có được quyền áp dụng quy định xử phạt vi phạm theo luật mới không ạ?

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 156 Luật BHVBQPPL thì văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc xác định thế nào là có lợi hơn (trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn) không hề đơn giản, ví dụ: một hành vi vi phạm hành chính nếu theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính cũ (đã hết hiệu lực thi hành) bị áp dụng hình thức xử phạt tiền ở mức từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, nhưng nếu theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính mới thì bị áp dụng hình thức xử phạt tiền ở mức từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính. Thực sự rất khó khẳng định việc áp dụng văn bản nào (nghị định mới hay nghị định cũ) thì sẽ có lợi hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

Nếu vụ việc không/chưa phát sinh số lợi bất hợp pháp hoặc người có thẩm quyền xử phạt không chứng minh được số lợi bất hợp pháp thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ chỉ phải chịu hình thức xử phạt tiền, trường hợp này áp dụng nghị định xử phạt mới sẽ có lợi hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm (áp dụng nguyên tắc tại khoản 4 Điều 156 Luật BHVBQPPL); tuy nhiên, nếu vụ việc phát sinh số lợi bất hợp pháp thì còn phải xem xét số lợi bất hợp pháp đó trị giá tương ứng với số tiền là bao nhiêu mới có thể khẳng định việc áp dụng văn bản nào có lợi hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

Câu 6: Khi phát hiện ra sai sót về số thuế phải nộp của năm trước. Doanh nghiệp chưa kịp thực hiện điều chỉnh nhưng lại nhận được thông báo kiểm tra thuế. Doanh nghiệp có thể xin gia hạn thời gian kiểm tra để điều chỉnh hay không?

Tham khảo Luật quản lý thuế 2019, điều 47. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

Theo điểm c, khoản 4, điều 110, Luật quản lý thuế 2019 về trình tự, thủ tục kiểm tra thuế

c) Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế. Thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;

 

 

 

 

 


Bài viết khác
Lịch khai giảng